Nguồn tin từ tờ báo nổi tiếng The New York Times cho biết ông lớn công nghệ Amazon dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 10000 việc làm. Đây là động thái ngay sau đợt cắt giảm nhân sự hàng loạt của Twitter và Meta. Có vẻ như các công ty công nghệ lớn đang lâm vào tình trạng khó khăn trong thời gian gần đây. Việc cắt giảm này của Amazon tập trung vào mảng thiết bị, bộ phận bán lẻ và phòng ban nhân sự.
Việc cắt giảm việc làm này Amazon sẽ chiếm khoảng 3% nhân viên công ty. Nếu điều này diễn ra, đây là đợt cắt giảm lớn nhất nhân sự của Amazon. Tuy nhiên, đây chỉ chiếm 3% tổng nhân viên đang làm việc tại Amazon. Bên cạnh đó, cách thanh lọc của Amazon lần này là loại bớt nhóm nhỏ chứ không phải dừng hoàn toàn dự án, điều này không ảnh hưởng đến lộ trình phát triển của công ty.
Kế hoạch cắt giảm của Amazon ngay trong mùa mua sắm quan trọng vào dịp lễ – khi công ty thường coi trọng sự ổn định – cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang xấu đi đã gây áp lực lên cả các ông lớn như Amazon khiến hãng phải cắt giảm nhân sự. Có vẻ như việc đánh giá sai về tốc độ tăng trưởng đã khiến Amazon tăng gấp đôi nhân sự (trong thời gian đại dịch) đã khiến hãng này gặp khó ở thời điểm hiện tại.
Thay đổi mô hình kinh doanh và kinh tế đang trong tình trạng bấp bênh đã gây ra sự sa thải trong toàn ngành công nghệ. Elon Musk đã giảm một nửa số lượng nhân sự Twitter trong tháng này sau khi mua lại công ty. Tuần trước, Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, thông báo họ sẽ sa thải 11.000 nhân viên, khoảng 13% tổng nhân sự. Lyft, Stripe, Snap và các công ty công nghệ khác cũng đã cắt giảm nhân sự trong những tháng gần đây.
Đại dịch đã tạo thời điểm lợi nhuận cao nhất của Amazon từng được ghi nhận, khi người tiêu dùng đổ xô đến mua sắm trực tuyến và các công ty sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây. Amazon đã tăng gấp đôi lực lượng lao động của mình trong hai năm, và dồn tiền lợi nhuận của mình vào việc mở rộng thị trường và nghiên cứu những điều lớn lao hơn. Nhưng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng của Amazon đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ. Công ty phải đối mặt với chi phí cao từ các quyết định đầu tư quá mức và tốc độ mở rộng, trong khi những thay đổi trong thói quen mua sắm và lạm phát cao làm giảm doanh số bán hàng.
Trong những tháng gần đây, Amazon cũng đã đóng cửa hoặc giảm bớt một loạt các dự án, bao gồm Amazon Care, dịch vụ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và khẩn cấp khi không đủ nguồn khách hàng. Scout, robot giao hàng tận nhà cũng đang gặp tình trạng khó khăn. John Blackledge, một nhà phân tích tại Cowen & Company, người đã đưa tin về Amazon trong một thập kỷ, cho biết tính toán của ông cho thấy hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của Amazon đã thua lỗ hàng tỷ USD trong năm nay. “Họ cần phải xem xét lại mọi thứ,” ông nói.
Các thiết bị và Alexa từ lâu đã được coi là có nguy cơ bị cắt giảm. Alexa và các thiết bị liên quan được ưu tiên phát triển hàng đầu khi Amazon chạy đua trong công cuộc trợ lý ảo và nhà thông minh. Từ năm 2017 đến năm 2018, Amazon đã tăng gấp đôi số lượng nhân sự cho mục đích phát triển các thiết bị Alexa và Echo lên 10.000 kỹ sư. Công ty đã bán được hàng trăm triệu thiết bị hỗ trợ Alexa. Nhưng Amazon cho biết các sản phẩm này thường có tỷ suất lợi nhuận thấp và các nguồn doanh thu tiềm năng khác như mua sắm bằng giọng nói vẫn chưa bắt kịp. Vào năm 2018, Echo và Alexa đã lỗ mất khoảng 5 tỷ USD, tình hình các năm sau đó không được để cập nhưng vẫn không mấy khả quan.
Hoạt động kinh doanh bán lẻ của Amazon, bao gồm hoạt động kinh doanh bán lẻ vật lý và trực tuyến cũng như các dịch vụ sau bán hàng đã gặp nhiều khó khăn sau sự gia tăng chóng mặt nhu cầu và mở rộng trong thời kỳ đại dịch. Công ty cho biết họ đã rút lại kế hoạch mở rộng và nói với các nhà đầu tư rằng họ thấy sự không chắc chắn với người tiêu dùng. “Thực tế rằng có nhiều yếu tố khác nhau đè nặng lên ví tiền của mọi người”, Brian Olsavsky, giám đốc tài chính, nói với các nhà đầu tư vào tháng trước. Ông cho biết công ty không chắc tình trạng này đang đi đến đâu, nhưng “chúng tôi đã sẵn sàng cho nhiều kết quả khác nhau”.