Từ năm 2017 đến nay, CEO Nvidia Jensen Huang liên tục lên tiếng khẳng định rằng định luật Moore đã chết nhằm bảo vệ việc tăng giá GPU của hãng. Điều này luôn được lặp lại khi Nvidia ra mắt thế hệ mới với việc nâng mức giá bán so với thế hệ cũ. Cũng phải thừa nhận hầu hết những sản phẩm của Nvidia đều có hiệu năng tốt, xét trên phương diện kỹ thuật lẫn hiệu năng trên giá thành.
Tuy nhiên cần biết rằng mức giá của card Nvidia tăng giá khá đều trong những năm qua. Vào năm 2013, GTX 780 ra mắt với mức giá 649 USD. Còn hai tuần trước, RTX 4080 ra mắt với giá 1.199 USD. Nếu xét về giá, Nvidia đã tăng giá đến 85% trong vòng 9 năm. So với GTX 780, RTX 4080 rõ ràng có hiệu năng mạnh hơn nhiều so với con số 85% ấy, nhưng trên phương diện kinh tế, đồng USD cũng không bị trượt giá đến mức này. Và sau khi RTX 4090 và 4080 ra mắt hồi tháng 9, CEO Huang lại một lần nữa khẳng định rằng, “định luật Moore đã chết.”
AMD đã nổi lên trong thời gian gần đây về cả CPU lẫn GPU vì hiệu năng trên giá thành quá tốt của nó. Sau khi đưa Intel vào thế khó, AMD tiếp tục tham vọng với mảng GPU. AMD trong những năm nay luôn muốn có hiệu năng cao hơn Nvidia, hoặc ít nhất là hãng có GPU với hiệu năng/ giá thành tốt hơn gã khổng lồ Nvidia. Vừa rồi, giám đốc kỹ thuật của AMD – Mark Papermaster đã tuyên bố tại 1 hội nghị rằng định luật Moore vẫn đang còn tồn tại. “Không phải là chúng ta không có những công nghệ transistor mới khiến chúng ta háo hức trong tương lai. Thứ rõ ràng nhất với tôi đó là những tiến bộ trong việc cải tiến công nghệ transistor (trong những chip đa dụng), nhưng để làm được điều này thì rất tốn kém. Vậy là chúng ta sẽ phải dùng những cụm chip tăng tốc hoặc những cụm chip xử lý chuyên biệt cho từng nhu cầu.”
Giám đốc kỹ thuật Papermaster cũng thừa nhận AMD đã chuẩn bị trước tinh thần cho việc tăng chi phí sản xuất, coi đó là yếu tố chủ đạo trong quyết định chuyển dịch sang thiết kế chiplet nhiều CCX trong một die chip xử lý, ứng dụng trong cả hai sản phẩm CPU và GPU mà họ tạo ra. Hai tuyên bố có phần trái ngược này khiến nhiều người cảm thấy mâu thuẫn. Vì thực tế cả AMD lẫn Nvidia đều đặt hàng gia công chip bán dẫn từ một nguồn duy nhất: TSMC. Nhưng khi thấy cách triển khai mô hình kinh doanh của AMD và Nvidia, mọi thứ sẽ rõ ràng hơn. AMD đang tìm cách vượt qua những giới hạn mà chi phí sản xuất chèn ép lên lý thuyết cơ bản của định luật Moore, còn Nvidia thì chấp nhận thực tế, vẫn tạo ra những die chip đơn và tăng giá bán sản phẩm để bù đắp cho chi phí họ phải bỏ ra.
Nói cách khác, định luật Moore vẫn tồn tại, tuy nhiên nó dần biến đổi để thích nghi hơn ở thời điểm hiện tại. Để tạo ra con chip có hiệu năng “gấp đôi gấp ba” sau vài năm, thì số tiền người dùng phải bỏ ra cũng tăng theo, đôi khi vượt qua cả tốc độ thay đổi giá trị của chính đồng tiền.