Trước sức ép của AMD 7000 Series vừa mới ra mắt, Intel cũng đang không chịu sự lép vế. Tại Israel đêm qua, Intel đã công bố CPU 13th Gen với tên mã Raptor Lake. Dòng CPU này nối tiếp sự thành công Alder Lake năm ngoái khi tiếp tục sử dụng thiết kế hybrid nhưng kèm những cải tiến đáng chú ý nhằm cải thiện hiệu năng lên mức 2 con số. Raptor Lake-S dành cho máy bàn (desktop) sẽ ra mắt trước, các dòng U, P, H và HX dành cho các nền tảng di động, máy tính cỡ nhỏ sẽ được công bố sau.
Nếu xem sơ qua thì Raptor Lake trông giống như một phiên bản “Refresh” của Alder Lake nhưng thực tế Intel đã cải tiến kiến trúc nhân hiệu năng cao (P-core) từ đó khiến xung nhịp của CPU có thể đạt đến gần 6GHz. Sau đó, hãng lại tiếp tục tăng số lượng nhân cho một số phiên bản. Cuối cùng, Intel tăng mạnh dung lượng bộ đệm L2 lẫn L3.
Raptor Lake vẫn dùng thiết kế hybrid với các nhân P và nhân E. Trong khi vẫn dùng lại nhân E kiến trúc Gracemont tương tự như nhân E trên Alder Lake thì nhân P của Raptor Lake dùng kiến trúc mới là Raptor Cove thay cho Golden Cove. Raptor Cove tối ưu từ Golden Cove, đưa xung của các nhân này chạm mốc 5,8 GHz trên flagship Core i9-13900K, hơn 600 MHz so với Core i9-12900K. Các phiên bản i7 và i5 cũng có mức xung đơn nhân cao hơn từ 200 đến 400 MHz. Các cải tiến về xung nhịp đơn nhân cho thấy Intel vẫn quyết tâm duy trì ưu thế về hiệu năng đơn nhân, tăng tốc độ phản hồi và rút ngắn thời gian thực thi các tác vụ cần xung Burst cao. Xung cao giúp Raptor Lake tăng hiệu năng đơn nhân 15% so với thế hệ trước. Điều này giúp Intel vẫn giữ được khả năng cạnh tranh hiệu năng đơn nhân so với AMD.
Năm nay,Intel cũng chạy đua về số nhân, trong khi số lượng nhân P vẫn không đổi thì Intel bổ sung nhân E trên nhiều SKU. Intel Core i9-13900K nay đã có 24 nhân 32 luồng (8 nhân P + 16 nhân E) thêm 8 nhân E so với Core i9-12900K. Intel Core i7-13700K có 16 nhân 24 luồng (8 nhân P + 8 nhân E) thêm 4 nhân E so với Core i7-12700K và Core i5-13600K có 14 nhân 20 luồng (6 nhân P + 8 nhân E) thêm 4 nhân E so với Core i5-12600K. Sự bổ sung về nhân này nhằm giúp Raptor Lake đạt được lợi thế đa nhân so với đối thủ AMD. Hiệu năng đa nhân của Raptor Lake cải thiện lên đến 41% so với Alder Lake.
Quan trọng hơn, Intel đã đẩy hiệu năng của Core i9-13900K ở 65W tương đương với hiệu năng của Core i9-12900K ở 241W. Còn nếu so cùng mức TDP 241 W thì Core i9-13900K cho hiệu năng cao hơn 37% so với Core i9-12900K và tối đa 41% ở 253 W. Sự cải thiện về hiệu năng/điện năng của Core i9-13900K nằm ở việc nó có thêm 8 nhân E dùng kiến trúc Gracemont tiết kiệm điện. Vì vậy với nhiều nhân và nhiều luồng hơn, Core i9-13900K rõ ràng có lợi thế hơn so với Core i9-12900K trong khi mức tiêu thụ điện năng không quá chênh lệch.
Cũng nói về TDP thì Core i9-13900K và Core i7-13700K sẽ có TDP từ 125 W (PL1) đến 253 W (PL2), riêng Core i5-13600K sẽ có TDP từ 125 W (PL1) đến 181 W (PL2). Như vậy mức TDP PL1 của 3 phiên bản này không đổi so với thế hệ trước, riêng PL2 thì Core i7-13900K và Core i9-13900K cao hơn 12 W, Core i5-13600K cao hơn 31 W. Nguyên nhân chỉ ra là do thế hệ Raptor Lake vẫn giữ nguyên tiến trình so với thế hệ cũ. Đồng thời xung nhịp của CPU và số nhân được tăng lên dẫn đến chênh lệch điện năng tiêu thụ so với thế hệ trước. Điều này là một rào cản không nhỏ đối với người dùng khi cần trang bị một hệ thống tản nhiệt đủ “xịn” để gồng gánh nhiệt năng mà CPU này tỏa ra.
Raptor Lake mang lại trải nghiệm ép xung tốt hơn so với Alder Lake. Điều này thì vẫn cần phải kiểm chứng bởi trước đó với Core i9-12900K, việc ép xung và giữ ổn định khi chạy các bài test benchmark khá khó khăn khi dùng tản nhiệt AIO. Raptor Lake vẫn được sản xuất trên tiến trình Intel 7 tức 10nm ESF nên việc OC trên Raptor Lake sẽ tương tự như Alder Lake, tức tối ưu nhất anh em nên OC nhân P hoặc OC các nhân tốt lên mức xung cao hơn đôi chút với giải pháp tản nhiệt AIO. Intel đã cải tiến công cụ Extreme Tuning Utility (XTU) và Speed Optimizer để hỗ trợ OC CPU ngay từ môi trường Windows. Với người dùng mới, Speed Optimizer hỗ trợ ép xung tự động, có thể tăng hệ số nhân đơn giản cùng với tùy chỉnh điện áp bù trừ.
Bộ đệm của Raptor Lake rất lớn, lớn nhất từ trước đến nay trên các CPU mainstream của Intel. Lấy ví dụ là Core i9-13900K 24 nhân (8P + 16E), dung lượng bộ đệm L2 cho mỗi nhân P tăng thành 2 MB (từ 1,25 MB trên Core i9-12900K) và bộ đệm L2 cho cụm 4 nhân E cũng tăng thành 4 MB (từ 2 MB trên Core i9-12900K), như vậy tổng dung lượng bộ đệm L2 là 32 MB. Bộ đệm L3 chia sẻ giữa các nhân cũng tăng thành 36 MB (từ 30 MB trên Core i9-12900K). Như vậy tổng dung lượng bộ đệm L2 + L3 trên Core i9-13900K đạt 64 MB, nhiều hơn 20 MB so với phiên bản tiền nhiệm.
Ngoài ra, Intel cũng đã cải tiến vi điều khiển bộ nhớ, nâng mức xung DRAM hỗ trợ lên thành DDR5-5200/5600 từ mức 4800 trên Alder Lake. Ngoài việc tăng xung bộ nhớ DDR5 hỗ trợ thì Intel cũng đã tăng xung của Fabric (Ring Bus) để có thể khai thác tốt hơn hiệu năng của các loại bộ nhớ tốc độ cao Trước mắt Intel chỉ mới công bố 3 phiên bản dòng K là Core i9-13900K, Core i7-13700K và Core i5-13600K. Flagship Core i9-13900K đã được Intel trình diễn về hiệu năng và so sánh với Core i9-12900K cũng như Ryzen 5000 series. Hệ thống benchmark được hãng liệt kê chi tiết với card đồ họa EVGA RTX 3090, SSD PCIe 4.0 của Samsung, RAM DDR5 CL28 với Core i9-13900K/12900K và DDR4 CL14 đối với hệ thống AMD (Ryzen 5000 series không hỗ trợ DDR5).
Về gaming, Core i9-13900K cho thấy nó sẽ tiếp tục là CPU tốt nhất cho gaming khi cho hiệu năng cao hơn tối đa 58% ở tựa game Spider Man Remastered, 31% với Far Cry 6, 27% với F1 2022, 16% đối với CS:GO và 6% đối với WoW: Shadowlands so với Ryzen 9 5950X. Tuy nhiên, Intel cũng khá công bằng khi đưa Ryzen 7 5800X3D vào so sánh – đây là con CPU Ryzen được đánh giá là cho hiệu năng chơi game tốt nhất trước khi AMD ra mắt Ryzen 7000 series nhờ kiến trúc bộ đệm 3D V-cache tốc độ cao. Core i9-13900K và Ryzen 7 5800X3D đạt hiệu năng ngang ngửa ở một số tựa game như Total War Warhammer III, F1 2022. Ryzen 7 5800X3D vẫn nhỉnh hơn Core i9-13900K ở các tựa game như WoW: Shadowlands hay Mount & Blade II: Bannerlord. So với Core i9-12900K thì hiệu năng chơi game nhìn chung tăng không quá đáng kể, khác biệt chỉ rõ ràng ở các tựa game như Spider Man, Arcadegeddon, The Riftbreaker, Far Cry 6 hay CS:GO, các tựa game còn lại thì tỉ lệ chênh lệch không nhiều.
Đối với người dùng sáng tạo nội dung, Core i9-13900K cho hiệu năng cao hơn đáng kể so với Ryzen 9 5950X ở các nội dung benchmark như Pugetbench Photoshop với 33%, After Effects với 34%, Premiere Pro với 16%. Các công cụ CAD/CAM như Auto CAD Cadalyst và Revit cũng chứng kiến mức chênh lệch lần lượt là 47 và 69%.
Intel một lần nữa nhấn mạnh lợi thế của thiết kế hybird trên dòng Raptor Lake đó là tối ưu cho xử lý đa tác vụ. Các tác vụ hỗ trợ kiến trúc vi xử lý hybrid sẽ có thể hoạt động cùng lúc hiệu quả và mượt mà hơn. Chẳng hạn như người dùng có thể để cho Adobe Premiere render ở background trong khi vừa làm việc với Photoshop với độ phản hồi của thao tác nhanh. Thread Director với thuật toán ML cải tiến sẽ tự động phân bổ tài nguyên CPU, chẳng hạn như Premiere sẽ chạy nền, đa nhân bằng các nhân E, các nhân hiệu năng cao sẽ được dành cho Photoshop. Intel cho biết hiệu năng xử lý đa tác vụ sáng tạo nội dung của Core i9-13900K nhanh hơn từ 27% đến 34% so với Core i9-12900K.
Raptor Lake-S tiếp tục sử dụng socket LGA1700, tương thích ngược với các bo mạch chủ dòng 600 series như Z690, H670, B660, H610 song song với dòng bo mới 700 series. Vì vậy người dùng sẽ không cần đổi bo mạch chủ mới để trải nghiệm Raptor Lake. Giá bán cũng như các phiên bản khác của Raptor Lake-S chưa được Intel công bố chính thức.
Mức giá rò rỉ được laptop Dell tham khảo từ các nguồn uy tín:
- Core i9-13900K: 589 USD (14.000.000VND)
- Core i7-13700K: 409 USD (9.700.000VND)
- Core i5-13600K: 319 USD (7.500.000VND)